Trường hợp lâm sàng dây rốn bám màng phát hiện ở 3 tháng giữa và được theo dõi tại phòng khám Bs Đại. Với dấu hiệu thai chậm tăng trưởng trong tử cung, được nhập viện khi thai 37-38 tuần với biến trứng: thai chậm tăng trưởng (suy dinh dưỡng bào thai), thiểu ối. Thai phụ được theo dõi sát, liên tục bằng máy Monitor sản khoa trong quá trình sinh, cân nặng 2100 gram, bé khỏe mạnh sau sinh.
DÂY RỐN BÁM MÀNG LÀ GÌ?
Dây rốn bám màng trên siêu âm Doppler
Dây rốn bám màng (Velamentous Cord Insertion) là hiện tượng dây rốn bám vào rìa màng nhau hoặc màng ối, thay vì bám vào giữa bánh nhau. Điều này khiến các mạch máu của thai nhi phải tự hoạt động mà không có sự bảo vệ của bánh nhau khi kết nối tại dây rốn.
Dây rốn bám vào màng ối là hiện tượng hiếm gặp nhưng vô cùng nguy hiểm với cả thai phụ lẫn thai nhi. Tình trạng này gây cản trở đến việc tiếp nhận oxy và hấp thụ dinh dưỡng nuôi dưỡng thai nhi. Đây chính là nguyên nhân khiến thai nhi bị suy dinh dưỡng bào thai, sinh non và thai lưu bất kỳ lúc nào.Thêm vào đó, bệnh cực kỳ nguy hiểm khi chuyển dạ bởi những cơn co tử cung có thể làm rách màng ối, đứt dây nhau, cắt đứt nguồn máu nuôi dưỡng thai nhi, khiến thai nhi bị ngạt, mất tim thai đột ngột và tử vong ngay trong bụng mẹ.
Trường hợp dây rốn ở vị trí gần cổ tử cung được gọi là mạch máu tiền đạo sẽ gây hậu quả nặng nề lên thai nhi, đe dọa tính mạng thai nhi hoặc trẻ sơ sinh.
NGUYÊN NHÂN DÂY RỐN BÁM MÀNG
Không ai biết nguyên nhân gây ra hiện tượng dây rốn bám màng, nhưng các nhà nghiên cứu đã xác định được một số yếu tố nguy cơ. Nó xảy ra ở khoảng 1% trường hợp mang thai đơn nhưng gần 9% trường hợp mang song thai. Tỷ lệ này sẽ càng cao hơn khi song thai có chung bánh nhau
Các yếu tố nguy cơ khác bao gồm:
- Mang thai khi lớn tuổi;
- Nhau tiền đạo hoặc mạch máu tiền đạo trong thai kỳ;
- Bị tiểu đường thai kỳ
- Thói quen hút thuốc lá trước và trong khi mang thai;
- Các trường hợp thụ tinh ống nghiệm
BỊ DÂY RỐN BÁM MÀNG CÓ NGUY HIỂM KHÔNG?
Tuy khá hiếm gặp nhưng khi dây rốn bám màng xảy ra có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Cụ thể là:
Đối với thai phụ
- Bị nén hoặc vỡ mạch máu cuống rốn do không được bảo vệ;
- Tăng nguy cơ mổ lấy thai;
- Xuất huyết khi chuyển dạ.
Đối với thai nhi
- Khi bị dây rốn bám màng, thai nhi chỉ có thể hấp thu tối đa 30% chất dinh dưỡng nên nguy cơ cao bị suy dinh dưỡng bào thai;
- Tăng nguy cơ sinh non;
- Chỉ số Apgar thấp, trẻ sơ sinh cần được chăm sóc đặc biệt;
DÂY RỐN BÁM MÀNG ĐƯỢC PHÁT HIỆN BẰNG CÁCH NÀO?
Việc phát hiện tình trạng dây rốn bám màng sớm sẽ giúp bác sĩ chủ động lên kế hoạch theo dõi thai kỳ và có điều trị phù hợp, xử trí hiệu quả các tình huống trong tình huống khẩn cấp.
Thường được phát hiện trên siêu âm ở 3 tháng giữa hoặc 3 tháng cuối thai kỳ. Siêu âm màu Doppler giúp phát hiện chính xác tình trạng này lên đến 99%
ĐIỀU TRỊ DÂY RỐN BÁM MÀNG NHƯ THẾ NÀO?
Cách tốt nhất khi phát hiện tình trạng dây rốn bám màng là siêu âm thường xuyên và theo dõi chặt chẽ tình trạng sức khỏe, chuyển động cũng như nhịp tim của thai nhi. Việc xử trí tùy thuộc trường hợp cụ thể. Mổ khẩn cấp trong trường hợp mạch máu tiền đạo.
Đây là hiện tượng hiếm gặp, nhất là dây rốn bám màng có mạch máu tiền đạo ít khi có triệu chứng và chỉ phát hiện thông qua siêu âm. Vì thế, để phát hiện được tình trạng này đòi hỏi bác sĩ có chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm và độ nhạy bén lâm sàng.
Tham khảo: https://www.webmd.com/baby/what-is-velamentous-cord-insertion