Những điều cần biết về sự hình thành nước ối

Hotline hỗ trợ: 0906.88.1508 - 0989.32.0205

Địa chỉ: 21 Nguyễn Văn Thạnh, P. Long Thạnh Mỹ, TP Thủ Đức

Những điều cần biết về sự hình thành nước ối
07/11/2024 05:10 PM 73 Lượt xem

    Phôi học, Nước ối

    1. Giới thiệu

    2. Sự phát triển của nước ối

    3. Sinh lý nước ối

    4. Ý nghĩa lâm sàng của dịch ối

     

     

    1. Giới thiệu

     

         Nước ối bao quanh phôi thai và thai nhi trong quá trình phát triển và có rất nhiều chức năng. Về mặt vật lý, nước ối bảo vệ thai nhi trong trường hợp bụng mẹ bị chấn thương. Hơn nữa, nước ối bảo vệ dây rốn bằng cách tạo ra một lớp đệm giữa thai nhi và dây rốn, do đó làm giảm nguy cơ chèn ép giữa thai nhi và thành tử cung. Nước ối cũng giúp bảo vệ thai nhi khỏi các tác nhân truyền nhiễm do đặc tính kháng khuẩn vốn có của nó. Ngoài ra, nước ối còn đóng vai trò là kho chứa chất lỏng và chất dinh dưỡng cho thai nhi bao gồm: protein, chất điện giải, globulin miễn dịch và vitamin từ mẹ. Nước ối cung cấp chất lỏng, không gian và các yếu tố tăng trưởng cần thiết để cho phép các cơ quan của thai nhi như hệ thống cơ xương, hệ thống tiêu hóa và hệ thống phổi phát triển bình thường. Các bác sĩ lâm sàng có thể sử dụng nước ối như một công cụ để theo dõi sự phát triển của thai kỳ và dự đoán kết cục của thai nhi.

     

    2. Sự hình thành, phát triển của nước ối

     

         Sự phát triển của nước ối được tạo thành từ giai đoạn đầu đến giai đoạn cuối thai kỳ. Giai đoạn đầu thai kỳ là giai đoạn bắt đầu thụ tinh đến 8 tuần (giai đoạn phôi thai), và giai đoạn cuối từ 8 tuần đến khi sinh (giai đoạn thai). Thành phần của nước ối thay đổi từ giai đoạn đầu thai kỳ đến giai đoạn cuối thai kỳ. Trong giai đoạn phôi thai, nước ối có nguồn gốc từ cả các yếu tố của thai nhi và mẹ, dịch màng bụng và dịch từ khoang ối; tuy nhiên, trong giai đoạn cuối thai kỳ, nước ối chủ yếu được tạo ra từ nước tiểu và dịch tiết phổi của thai nhi.

     

    3. Sinh lý nước ối

     

         Sự cân bằng nội môi của dịch cơ thể rất quan trọng đối với thai nhi đang phát triển. Ngoài sự lưu thông liên tục của dịch ối thông qua hít vào và thở ra, phải có sự cân bằng giữa sự hình thành và đào thải dịch ối.

         Sự hình thành dịch ối bắt nguồn từ nước tiểu và dịch tiết phổi của thai nhi; tuy nhiên, sự đào thải quan trọng phần lớn là của việc thai nhi nuốt và hấp thụ nội màng. Vào đầu thai kỳ, da phôi thai chỉ là biểu mô đơn giản, cho phép dịch đi qua tự do dưới lực thủy tĩnh và thẩm thấu. Hơn nữa, nước ối đẳng trương với huyết tương của mẹ và thai nhi; nó khuếch tán tự do qua da thai nhi và nhung mao màng đệm cho đến tuần thứ 8. Cuối cùng, da thai nhi bắt đầu trở thành biểu mô lát tầng và trở nên sừng hóa hoàn toàn vào tuần thứ 25. Khi da thai nhi được sừng hóa hoàn toàn vào giai đoạn sau của thai kỳ, nó không còn có thể hấp thụ hoặc truyền dịch qua lại dễ dàng nữa. Hô hấp, nuốt và đi tiểu là những con đường trao đổi chính giữa thai nhi và nước ối để duy trì sự cân bằng dịch ối.

     

    4. Ý nghĩa lâm sàng

     

         Thể tích nước ối cao hoặc thấp bất thường đã được chứng minh là có thể dự đoán kết cục ở thai nhi; do đó, lượng nước ối bình thường rất quan trọng đối với sự phát triển khỏe mạnh của thai nhi hoặc phôi thai. Các bác sĩ lâm sàng có thể sử dụng chỉ số nước ối (AFI) hoặc túi sâu nhất đơn (SDP) trên siêu âm để theo dõi lượng nước ối.

         Chẩn đoán đa ối khi: AFI > 24 cm hoặc SDP > 8 cm.

         Chẩn đoán thiểu ối: AFI < 5 cm hoặc SDP < 2 cm.[14]



     

    Đo chỉ số ối trên siêu âm: Hình A: đa ối, Hình B: thiểu ối

         Đa ối có thể do mẹ bị tiểu đường, tắc nghẽn đường tiêu hóa, rối loạn di truyền, rối loạn cơ xương, nhiêm trùng bào thai (TORCH) hoặc thoát vị cơ hoành bẩm sinh, vô căn (50%). Thiểu ối thường do mẹ bị tang huyết áp, bất thường đường tiết niệu, suy nhau thai, thai quá ngày hoặc vỡ ối. Thiểu ối có thể gây ra các biến chứng như biến dạng hình thái ngoài, suy thai, chèn ép thai khi sinh,…

         Các bác sĩ lâm sàng cũng có thể sử dụng hormone, peptide và protein nước ối để sàng lọc các bệnh di truyền thông qua chọc ối. Chọc ối là một thủ thuật được thực hiện sau 15 tuần để lấy mẫu tế bào nước ối và được sử dụng để chẩn đoán các bất thường về nhiễm sắc thể như Trisomy 21 (hội chứng Down). Tuy nhiên, thủ thuật này xâm lấn hơn nhiều so với các xét nghiệm sàng lọc khác và có thể dẫn đến sảy thai tự nhiên ở 0,5 đến 1% các trường hợp mang thai. Các nghiên cứu sâu hơn về nước ối đang được tiến hành; nó vẫn là một chất quan trọng cần thiết để phôi thai hoặc thai nhi tồn tại và giúp các bác sĩ lâm sàng đưa ra quyết định về tình trạng và dự đoán kết quả của thai kỳ.

    Tham khảo: Lược dịch https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK541089/ .

    Tác giả: Emily D. Fitzsimmons; Tushar Bajaj. Update 7/2023

    Zalo
    Hotline